Đội tuyển Việt Nam không ít lần đã tan mộng vàng ngay tại SVĐ Mỹ Đình kể từ ngày khánh thành sân năm 2003. Đằng sau những thất bại ấy, nhiều người nhận ra một quy luật tâm linh mà cầu thủ là người chịu thiệt.
Bóng đá Việt Nam kiêng phụ nữ?
Trong cuốn tự truyện "Lê Công Vinh - Phút 89", cựu tuyển thủ quốc gia Lê Công Vinh từng tiết lộ một câu chuyện mang yếu tố tinh thần ở trận thua 2-4 trước Malaysia tại bán kết lượt về AFF Cup 2014. Anh viết về "điềm gở" mà nhân vật chính là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
"…Trước trận đấu ở Mỹ Đình, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cùng 2 đứa con gái đi vào phòng họp và nói:
- Tôi, các con và các anh lãnh đạo đến thắp hương trên sân Mỹ Đình. Tôi thấy hương cong lắm, rõ ràng thần linh và chư vị ông bà chứng cho mình. Hồi năm 2008, tôi và mọi người đi thắp hương cũng thấy hương cong lại như vậy và sau đó mình vô địch. Ngày mai chúng ta chắc chắn thắng.
Lê Phước Tứ lúc ấy nói: Hóa ra đội thắng là do thắp hương còn đội thua là do cầu thủ.
Lúc ấy, tôi quả thực đã suy nghĩ thế này: Bóng đá kỵ nhất là phụ nữ. Chiếc xe bus của đội đang đi mà gặp bà bầu còn phải quay ngược trở về đi lại cho đỡ xui", trích tự truyện "Lê Công Vinh - Phút 89".
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và hai con gái trở thành nhân vật chính trong một chương ở tự truyện "Lê Công Vinh - Phút 89".
Công Vinh cũng khẳng định bóng đá dù ở đâu trên thế giới cũng là "môn mê tín nhất trên đời, từ trong nước ra đến quốc tế, và phụ nữ vẫn xem là đại kỵ".
Anh khẳng định: "Tôi rất trân trọng phụ nữ nhưng mỗi nghề nghiệp lại có phong tục đặc thù mà người trong nghề không thể tránh được. Ông Lê Hùng Dũng làm bóng đá lâu năm chắc cũng đã nghe qua, nhưng ông phớt lờ việc ấy".
Chưa dừng lại ở đó, điều khiến Công Vinh cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn nằm ở việc ngay sau trận thua đó, ông Lê Hùng Dũng đã rỉ tai anh về việc nghi ngờ bán độ.
"…Giữa lúc tinh thần của chúng tôi rất tệ, ông Lê Hùng Dũng gọi tôi ra nói chuyện: Tôi nghi có tiêu cực. Tôi tin cậu nhất, cậu là đội trưởng, cậu có hoài nghi ai không? Đây là một trận đấu mà mình không thể thua, vậy mà lại thua ở những tình huống rất có nghi vấn", trích đoạn trong tự truyện "Lê Công Vinh - Phút 89".
Công Vinh sau đó cam đoan không có chuyện bán độ và sự thật tại giải đấu đó tất cả các cầu thủ đều không dính chàm. Tuy nhiên, điều khiến Công Vinh cảm thấy buồn nhất là niềm tin mà các quan chức bóng đá Việt Nam dành cho cầu thủ. Ngay trước trận, vị lãnh đạo còn khẳng định về việc thắp hương và những dấu hiệu tâm linh liên quan đến chức vô địch AFF Cup 2008, tin vào việc đội tuyển Việt Nam sẽ thắng nhưng sau thất bại, trách nhiệm đều được quy về phía cầu thủ.
Công Vinh không ít lần rơi nước mắt về thất bại của đội tuyển nhưng cay đắng nhất có lẽ vẫn là giọt nước mắt tại Mỹ Đình sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2014.
Chuyện "có thờ có thiêng"
Đội tuyển Việt Nam và "thầy cúng". Đó không còn là hai vế đối lập và tưởng chừng không liên quan gì đến nhau nhưng dưới những dữ kiện lịch sử, cả hai vẫn có mối quan hệ khăng khít.
Dưới góc nhìn của nhà báo Phan Đăng, anh từng kể lại về câu chuyện HLV Calisto phải đi xe riêng với đội tuyển Việt Nam đến sân trước trận đấu với Singapore tại vòng bảng AFF Cup 2010. Lý do bắt nguồn từ việc VFF đi xem "thầy" và nhận được kết quả là tuổi của ông Calisto tương khắc với ngày diễn ra trận đấu mà trận ấy Việt Nam phải thắng mới vào bán kết.
Cũng cùng mùa giải ấy, chuyện đội tuyển Việt Nam mặc áo trắng, quần đỏ, trong khi "thầy cúng" phán phải mặc áo trắng, quần trắng dẫn đến trận thua 0-2 trước Malaysia tại bán kết AFF Cup đã trở thành giai thoại.
HLV Calisto thành công, không phải mẫu người duy tâm nhưng cũng từng phải chấp nhận nghe lời "thầy cúng" để mong đội tuyển Việt Nam chiến thắng.
Chưa hết, chức vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam cũng ẩn chứa một câu chuyện đằng sau liên quan đến việc nhờ "thầy cúng".
Nhà báo Phan Đăng kể lại: "Một quan chức Liên đoàn đề xuất: "Chúng ta không mê tín, chắc chắn như vậy rồi. Nhưng các cụ bảo "có thờ có thiêng", thôi thì chúng ta hãy cứ làm tất cả, để sau này, lỡ có thua, cũng không có gì ân hận". Với suy nghĩ như vậy, một "thầy" có tiếng là "cao tay" đã được mời về, và một ngày trước trận chung kết Việt Nam - Thái Lan, "thầy" này đã lập một đàn lễ nho nhỏ ở sân Mỹ Đình. Cùng với việc lễ bái, "thầy" còn đề nghị phải phủ một tấm vải màu trắng lên dòng chữ "SVĐ QG Mỹ Đình" được dựng ở phía ngoài sân.
Lúc đầu, đề nghị ấy bị cự tuyệt, với lý do: "Người hâm mộ đến sân xem đội tuyển, thấy tấm vải trắng như thế, chắc chắn sẽ thắc mắc". Nhưng rồi với ý nghĩ: "Thôi thì hãy làm tất cả, để sau này, nếu có gì xảy ra cũng không ân hận", người ta vẫn phủ một tấm vải trắng như lời nhà ngoại cảm. Và cũng rất may là sau đó, người hâm mộ đến sân chỉ chú ý đến trận đấu, chứ không ai chú ý và thắc mắc gì về tấm vải trắng ở ngoài cổng sân.
Trận chung kết lượt về diễn ra, cho đến những phút thứ 90, tỷ số vẫn đang là 1-0 nghiêng về Thái Lan. Vào đúng lúc các quan chức bóng đá ôm mặt nghĩ đến một tình huống xấu nhất, thì đột nhiên một vị nhớ ra: "Thôi chết, chúng ta chưa hóa vàng theo lời dặn của "thầy". Thế là một người chạy xuống hóa vàng, và chỉ ngay sau đó ở trên sân, Công Vinh đánh đầu gỡ hòa, ghi bàn thắng lịch sử, đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi vua Đông Nam Á".
Chức vô địch AFF Cup 2008 là đỉnh cao và đằng sao đỉnh cao ấy là một câu chuyện cũng "đỉnh cao" không kém. Ảnh: Getty Images.
Sau những câu chuyện ấy, lãnh đạo VFF vẫn khẳng định họ không mê tín mà chỉ đi theo tinh thần "có thờ có thiêng" như lời dạy của cha ông để lại. Và quả thật những việc làm ấy vẫn đang đi theo xu hướng tín ngưỡng hiện tại ở Việt Nam, đặc biệt trước những chuyện lớn lao, việc cúng bái, thắp hương càng được coi trọng. Đó không phải chuyện dị thường.
Chiều nay (6/12), đội tuyển Việt Nam gặp Philippines ở bán kết AFF Cup 2018. Chắc có lẽ, những nén hương vẫn sẽ được thắp lên để cầu cho mọi việc hanh thông, Việt Nam vào chung kết. Tất cả đi theo đúng tinh thần "có thờ có thiêng" để sau này "không phải ân hận". Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận vào thực tế, vấn đề chuyên môn để soi xét dù thắng hay thua. Chuyện tâm linh chỉ là một phương pháp hỗ trợ về tinh thần.
Đội tuyển Việt Nam tiếp tục bước vào một trận đấu và nếu có vấn đề không hay không biết các cầu thủ có tiếp tục bị nghi ngờ, còn khi chiến thắng "thầy cúng" lại là người được đưa lên mây. Và như lời đúc kết từ cựu trung vệ ĐTQG Phước Tứ: "Đội thắng là do thắp hương còn đội thua là do cầu thủ", e rằng không phải là câu nói đùa. Thỏa hiệp với điều ấy, người tổn thương nhất chính là cầu thủ.
Xem thêm: